0987 066 135

Bài thuốc Nam điều trị viêm xương do chấn thương nhiễm trùng

Tôi là nạn nhân bất đắc dĩ của bom đạn chiến tranh từ năm 18 tuổi. Trong 6 tháng nằm bệnh, tôi được biết một trường hợp bị viêm xương kinh niên, đó là anh Sương (bằng tuổi tôi). Cứ khoảng 3 tháng, anh Sương lại đến bệnh viện để điều trị định kỳ. Tôi hỏi thì được biết anh ấy bị viêm xương đã hơn 3 năm và cũng là bệnh nhân quen thuộc của bệnh viện này.

Về căn bệnh của tôi thì sau đó, hai bác sĩ nổi tiếng ở An Giang (từng du học Mỹ và Pháp) đều khẳng định là chứng viêm xương – cũng như anh Sương vậy. Ở thời của chúng tôi – những người lính chiến thì đây là loại bệnh rất phổ biến (vì xương rất hay bị nhiễm trùng do vết thương từ bom đạn – có khi không kịp điều trị, nhiễm trùng phần mềm rồi ăn sâu vào xương; có khi do chính phần xương bị tổn thương, gãy, bể…).

Bạn biết đấy, viêm xương kinh niên là bệnh không thể điều trị dứt điểm. Xương nhiễm trùng thì chất vôi xương ở chỗ bị nhiễm trùng sẽ xám đen, mục rữa và làm ung mủ bên trong phần mềm, gây sưng, đỏ, đau, nhức… Lúc này, ta phải phá da thịt, mở đường cho mủ thoát ra… Vì vậy, trụ sinh mạnh là dòng thuốc dùng điều trị viêm xương kèm theo phẫu thuật nạo bỏ xương “thối”.

Viêm xương tủy

Viêm xương tủy (ảnh minh họa)

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn ám ảnh cảnh tượng năm ấy, vụ tai nạn bất đắc dĩ của tôi: Năm ấy, miền Nam đang chiến tranh nên nhà nào cũng rất khó khăn, tôi phải bỏ học để theo nghề theo nghề tiện hàn. Trong một lần nhìn thợ chánh trong tiệm hàn cắt ngang đầu đạn 155 ly (để lấy sắt cho thợ rèn) thì đạn nổ. Người thợ chánh bị nổ banh xác. Tôi đứng cách đó 1 mét rưỡi, bị miểng đạn cắt đứt 2/ 3 xương đùi trái. Chiếc quần dài tôi mặc bị cháy hết ở chỗ vết thương, một miếng thịt đùi bằng bàn tay còn dính tý da lật qua mép đùi, để lộ phần xương bể trắng nhờn chưa kịp nhuốm máu. Sau đó, tôi được một xe lam chở tới bệnh viện cách đó 8 km. Lúc ấy, tôi chỉ có thể gắng sức trả lời vài câu về tên tuổi với nhân viên y tế rồi hôn mê…

Khi tỉnh dậy, trong nền cảnh tranh tối tranh sáng, có mùi tanh tanh, tôi thấy mình đang nằm đó, tay vô nước biển. 2/3 xương đùi bị gãy nát, thịt đùi bầy nhầy nhưng cũng may là động mạch không bị tổn hại… Đến 6 tháng sau, khi nhân viên y tế rửa vết thương còn thọt sâu vào, lấy ra vài mảnh xương nhỏ mục mềm như sáp…

Sau đó, tôi được chuyển lên bệnh viện trên Sài Gòn. Thời ấy, điều kiện y tế còn thiếu thốn, thiết bị trong bệnh viện khiến cho tôi có cảm giác khá hỗn độn. Thế rồi tôi được bó bột và chẩn đoán thêm, sau đó được cho về nhà, một tháng sau lên tái khám. Khi tôi hỏi sao không chừa chỗ hở ra để rửa vết thương thì có một bác sĩ bảo là không cần, máu mủ có ra thì tự thấm vào bột, chỉ cần đúng 30 ngày đi tái khám là được. Lúc đó, tôi thực sự hoang mang nhưng vẫn làm theo.

Tuy nhiên, vì bó một kín mít nên vết thương bị nhiễm trùng: chân tôi sưng như cái gối ôm, máu mủ rỉ ra hàng ngày, mới 1 tuần mà mùi hôi thối do mủ máu tươm ra, thấm vào bột đã xông ra khiến tôi khó chịu vô cùng (người trong xóm đi ngang nhà còn nói rằng thấy mùi hôi thối). Đã vậy, chỗ bị thương lại còn đau nhức, ngứa ngáy, cảm giác như giòi bọ đang rúc rỉa thịt xương.

Lúc ấy, cả nhà tôi đều thấy không ổn, không thể đợi 30 ngày nên nhờ một người quen từng là y sĩ quân y đến xem giúp. Chú ấy tức tốc bảo phải rọc bột chỗ vết thương ra để tốc hành làm vệ sinh và sát trùng ngay (vì để lâu sẽ gây hoại tử hoặc nhiễm trùng máu mà chết).

Khi cắt bột ra thì hãi hùng thay! Mủ máu thâm xỉn, xám vàng đỏ lẫn lộn, giòi bò lúc nhúc… Lúc ấy, tôi rất giận vị bác sĩ vô trách nhiệm ấy và không còn tin vào bệnh viện nữa. Tôi chuyển qua điều trị bằng thuốc Nam tại nhà, tự thay băng và rửa vết thương bằng nước muối. Thế nhưng, 6 tháng điều trị bằng thuốc Nam tại nhà cũng không mang lại kết quả. Mủ máu chảy ra hàng ngày rất nhiều. Vì vậy, tôi quyết định đi bệnh viện Long Xuyên cưa bỏ chân nhưng bác sĩ lại không đồng ý vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Thế là các y sĩ ở đây rửa vết thương cho tôi và lôi cả miếng vải đã được nhét sâu vào chỗ xương bể lúc các bác sĩ trên Sài Gòn bó bột (miếng vải đã mục, đen thui sau 6 tháng). Lúc ấy, các y sĩ ở Long Xuyên đều ngạc nhiên và bảo rằng vì sức đề kháng của tôi cao, nếu là người khác thì có lẽ đã chết từ lâu rồi…

Sau 1 năm điều trị kết hợp chống nạng, chống gậy, tập đi…, vết thương của tôi đã gom miệng lại bằng ngón tay nhưng vẫn không lành, mủ vẫn rỉ ra mỗi ngày một ít (vì ngoài da thì lành lại, kéo miệng vết thương lại nhưng bên trong thì vẫn còn tổn thương).

Bài thuốc điều trị viêm xương

Đến năm 1980, tôi ở nhờ nhà chị ruột (để học vẽ mưu sinh) và may mắn được anh rể (cán bộ y tế) chỉ cho bài thuốc điều trị viêm xương. Nhờ bài thuốc này mà vết thương của tôi lành hẳn (lúc ấy tôi đắp khoảng 2 tuần là thấy hiệu quả).

Bài thuốc gồm các vị sau đây:

  • Củ nghệ vàng (rửa sạch, thái mỏng, cho vào chảo, sao cho khô rồi tán thành bột).
  • Lá mơ lông (cũng sao cho khô rồi tán thành bột).
  • Gạo nếp (sao vàng rồi tán thành bột).
  • Rượu trắng.
  • Mật ong tự nhiên nguyên chất (chỉ để thấm vào miếng vải sạch và nhét vào vết thương sâu, tránh làm mạch lươn khi miệng vết thương híp quá sớm, bên trong chưa kịp lành).
Lá mơ lông (loại lá hay được ăn cùng thịt chó)

Lá mơ lông (loại lá hay được ăn cùng thịt chó)

Cách thực hiện như sau: Lấy 1 phần bột nghệ, 2 phần  bột lá mơ lông, 3 phần bột gạo nếp, tất cả trộn chung với rượu trắng cho sền sệt như bột nhão rồi đắp lên vết thương (tùy vết thương nhỏ hay lớn mà ta trộn nhiều hay ít).

Cách rửa và đắp thuốc cho vết thương

Mỗi ngày ta rửa vết thương và thay thuốc một lần vào buổi sáng.

Khi rửa vết thương, ta dùng nước sôi để nguội, hòa tí muối rồi rửa. Rửa xong, đợi nước ở chỗ vết thương khô khô lại thì ta lấy miếng vải mỏng, thấm với mật ong rồi nhét sâu vào hang vết thương, nhét cho đầy tới miệng với thương thì ngưng, sau đó mới đắp thuốc lên (để nước thuốc thông qua miếng vải mà thấm dần vào trong xương, chỗ bị tổn thương, mặt khác là để bã thuốc không bị lọt vào trong xương).

Giải thích thêm: Dùng mật ong thấm vào vải để nhét vào vết thương bên trong là để vết thương mau lành, thịt dần dần đầy lên và không bị thối, hôi mùi máu, mủ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *